Nằm về phía Đông Bắc của núi Đún Sơn, cách Thành nhà Hồ về phía Đông Nam khoảng gần 2km, Di tích lịch sử cấp quốc gia – đền thờ Trần Khát Chân (thuộc khu phố Đún Sơn – thị trấn Vĩnh Lộc) yên bình nép mình dưới tán cây xanh mướt mát. Đún Sơn linh từ - một điểm đến của muôn khách thập phương, một di tích văn hóa, một công trình kiến trúc cổ, nơi lưu giữ “Thượng sàng hạ mộ” của Đức Thánh Lưỡng Trần Khát Chân – vị tướng tài cứu đất nước khỏi họa xâm lăng Chiêm Thành.
Trần Khát Chân người làng Hà Lãng huyện Vĩnh Ninh (nay là huyện Vĩnh Lộc). Là vị tướng tài thời nhà Trần đã lập chiến công lớn giết tướng Chế Bồng Nga và chống giặc xâm lấn quân Chiêm Thành. Ông mất ngày 24 tháng 4 năm Kỷ Mão (1399) bởi lòng trung quân ái quốc. Nhân dân trong vùng vô cùng thương tiếc và khâm phục tấm lòng của một bề tôi trung nghĩa nên đã lập đền thờ Thượng tướng quân Trần Khát Chân trên núi Đún Sơn vào cuối thế kỷ XV và tôn ông là Thành Hoàng làng. Đền thờ tại chân núi Đún Sơn là nơi an táng mộ Ngài, bên trên ngôi mộ là bệ thờ, thường gọi là “Thượng sàng hạ mộ”.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Trần Khát Chân người làng Hà Lãng huyện Vĩnh Ninh (nay là huyện Vĩnh Lộc), ông sinh năm 1366. Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước loạn lạc, Trần Khát Chân chăm lo rèn văn, luyện võ, sớm nổi tiếng là vị tướng dòng dõi nhà binh, mưu trí dũng cảm.
Khi quân Chiêm Thành tiến đánh Thanh Hoá. Hồ Quý Ly đi cự chiến song thua trận.Thượng hoàng sai Trần Khát Chân lúc này được phong Đô tướng đem quân đi chống giặc. Với tài mưu lược, Trần Khát Chân đã chỉ huy lực lượng đánh thắng quân Chiêm Thành, đem thủ cấp của Chế Bông Nga về tâu với Thượng hoàng. Do có công lớn, Trần Khát Chân được phong cấp Thượng tướng quân lần thứ hai và được cấp đất đai lập Ấp tại Hoàng Mai.
Trần triều tiếp tục suy thoái. Năm 1398, Hồ Quý Ly cho dời đô về Vĩnh Lộc – Thanh Hóa. Sau đó ép vua Trần Thuận Tông nhường ngôi cho cháu ngoại là Trần Thiếu Đế mới 3 tuổi, mọi quyền lực đất nước rơi vào tay Hồ Quý Ly. Trước tình hình đó các dòng dõi nhà Trần bức bách muốn trả thù lật đổ Hồ Quý Ly.
Ngày 24/4 năm Kỷ Mão( 1399), nhà Trần tổ chức lễ Minh thệ ở Đốn Sơn, vua Trần Thiếu Đế còn nhỏ, Hồ Quý Ly là ông ngoại thay vua đến dự lễ....Nhân cơ hội này, các Quan tướng trung thành với triều Trần do tướng Trần Khát Chân cầm đầu mưu lật đổ Hồ Quý Ly, song sự việc bị bại lộ không thành, Hồ Quý Ly ra lệnh bắt tướng Trần Khát Chân, Trần Nhật Đôn, Phạm Ngưu Tất...cùng các quan thân thiết của triều Trần gồm 372 người bị đem ra hành quyết dưới chân núi Đún Sơn. Trần Khát Chân bị hành quyết vào ngày 24 tháng 4 năm Kỷ Mão 1399 bởi lòng trung quân ái quốc.
Tương truyền rằng: Khát Chân khi sắp bị hành hình, phi ngựa lên đỉnh núi Đún Sơn dõng dạc gào thét 3 tiếng “TRỜI”, trời đang nắng bỗng tối xầm lại, ngài chết qua 3 ngày sắc mặt vẫn tươi như khi sống, ruồi nhặng không dám bâu. Cái chết của Trần Khát Chân được nhân dân thương cảm, câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn mãi là khúc ca đẹp về tinh thần kiên trung bất khuất, tấm gương sáng ngời được truyền tụng và noi theo đến muôn đời sau.
Lễ kỷ niệm ngày mất của Thượng tướng quân Trần Khát Chân (24/4 âm lịch) là lễ hội truyền thống cấp cơ sở hàng năm, là dịp để tôn vinh và tỏ lòng thành kính, tự hào về một vị tướng tài bất khuất, trung nghĩa vì dân, vì nước.
Hướng về cội nguồn, tưởng nhớ đến công lao của vị tướng tài, ngày 30 và 31/5/2024 (tức ngày 23 và 24 ÂL) Đảng ủy – UBND thị trấn Vĩnh Lộc tổ chức lễ hội Đền Trần Khát Chân năm 2024 kỷ niệm 625 năm ngày mất Thượng tướng quân Trần Khát Chân với sự thành kính, bày tỏ niềm tri ân ngưỡng mộ sâu sắc. Lễ hội diễn ra với nhiều nội dung mang ý nghĩa tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Đức Thánh lưỡng Trần Khát Chân như: Giao lưu văn nghệ quần chúng, Tế nam, tế nữ, chính lễ, Tấu chúc văn, bơi chèo chải….và nhiều nghi lễ khác.
Một số hình ảnh về lễ hội Đền Trần Khát Chân năm 2024 tại thị trấn Vĩnh Lộc:
(Hình ảnh: Lãnh đạo huyện Vĩnh Lộc dâng hương tại Đền)